Liên tiếp trong hai ngày 24-25/4, Nghệ An xảy ra hai vụ việc “tự tử giả” có hình thức giống nhau.
Theo đó, người thực hiện vụ việc chọn những nơi như thành cầu, bờ kênh để lại đôi dép cùng mảnh giấy ghi dòng chữ “Con xin lỗi bố mẹ, chỉ vì áp lực học tập”, tạo hiện trường giống như một vụ tử tự.
Chính quyền địa phương cùng người dân huy động hàng chục người đi mò, lặn, tìm kiếm trong nhiều giờ đồng hồ cho đến khi xác định là trò đùa.
Chủ nhân của trò đùa ngày 24/4 ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành là 3 học sinh lớp 5.
Trong khi đó, vụ việc ngày 25/4 tại xã Bắc Thành, huyện Yên Thành vẫn chưa tìm ra người “bày trò”. Lực lượng chức năng địa phương tạm dừng tìm kiếm sau nửa ngày do không có gia đình nào trình báo về việc nghi ngờ người nhà tự tử.
Đáng chú ý, vào tháng 2/2023, vụ việc tương tự cũng xảy ra ở xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ba học sinh lớp 7 (SN 2010) cũng “dọa” người lớn bằng cách để lại mảnh giấy “Con xin lỗi bố mẹ” cùng đôi dép trên thành cầu rồi bỏ đi chơi.
Sau khi tìm kiếm bất thành, cơ quan chức năng trích xuất camera mới phát hiện ra đây chỉ là trò nghịch dại của 3 đứa trẻ. Chủ nhân của trò đùa “đau tim” này cho biết xem trên TikTok và làm theo.
Trên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến chỉ trích nhắm đến những học sinh “nghịch dại”From: web game casino. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng địa phương đã ứng xử đúng đắn khi không xem đây là trò nghịch dại, vẫn tổ chức tìm kiếm cho đến khi thực sự xác định không có nạn nhân.
PGS.TS Trần Thành Nam – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội – chia sẻ: “Thật may mắn khi không có án mạng nào xảy ra nhưng đó vẫn là một thông điệp, một dấu hiệu cảnh tỉnh cha mẹ cần phải quan tâm đến cảm xúc của con hơn”.
Theo ông Nam, trong mọi trường hợp, không nên chỉ xem tình huống “nghịch dại” nói trên là trò đùa. Thực tế, nhiều trẻ em, trẻ tuổi vị thành niên có dấu hiệu tổn thương tâm lý và phát ra những tín hiệu cầu cứu mà không được nhận diện và hỗ trợ phù hợp.
“Có nhiều đứa trẻ xuất hiện ý nghĩ “thế này thà chết quách đi còn hơn”. Nếu chỉ là ý tưởng thoáng qua, chưa nghĩ đến kế hoạch sẽ tự tử thể bằng cách nào, như thế nào thì không quá đáng lo.
Nhưng sẽ là bất thường nếu đứa trẻ ngày càng tin tưởng rằng tự tử là con đường duy nhất, ngoài ra không còn cách nào khác để giải quyết mâu thuẫn hoặc thoát khỏi khủng hoảng.
Tôi hy vọng trong sự việc ở Nghệ An, sẽ tìm hiểu diễn biến tâm lý của các em, trò chuyện tâm sự xem vì sao con lại có suy nghĩ và hành vi như vậy. Người lớn không nên kết tội và đánh mắng các em vì đã đùa một cách tai hại.
Và đặc biệt, cha mẹ đừng chủ quan rằng các con đã đùa một lần như thế thì chắc về sau không dám chết thật đâu”, ông Nam đưa ra cảnh báo.
Ông Nam nhấn mạnh, đằng sau những lời nói vu vơ về cái chết, những hành vi toan tự tử nhưng chưa thành công hay những trò nghịch dại này có thể ẩn chứa những động cơ của con trẻ.
Đó có thể là cách thức trẻ bày tỏ thông điệp tới bố mẹ và những người khác khi cảm thấy không được lắng nghe, không được đáp ứng. Việc trẻ chọn cái chết để xem phản ứng của người khác là cách ngầm nói lên rằng chính người khác là nguyên nhân gây ra chuyện này. Trẻ muốn thấy người khác hối hận, đau khổ vì những hành vi ứng xử với mình.
“Cha mẹ phải vượt qua suy nghĩ sai lầm rằng việc nói chuyện với con về tự tử chỉ khuyến khích con tự tử thật. Trên thực tế, điều này sẽ mở ra cuộc đối thoại giúp bạn xác định xem con bạn có cần giúp đỡ hay không”, Phó hiệu trưởng Đại học đưa ra lời khuyên.
PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra các dấu hiệu nhận diện sớm ý định tự tử ở trẻ:
Những dấu hiệu không được coi thường và bỏ qua có thể bao gồm: chán nản, buồn bã; mất hứng thú với bạn bè, gia đình và những sở thích, hoạt động trước đây; dễ nổi cơn thịnh nộ; lo lắng; cảm thấy bị sỉ nhục.
Cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm khi trẻ nói những câu như: “Con không nên có mặt trên đời này”, “Con ước mình có thể biến mất vĩnh viễn”, “Con không muốn/không còn lý do gì để sống nữa”, “Con muốn giết bản thân”, “Có những giọng nói trong đầu con bảo con đi chết đi”, “Cha mẹ con sẽ không tiếc thương con đâu”…
Trẻ cũng có thể làm những việc như: nói hoặc nói đùa về việc tự tử; đem cho mọi người đồ vật của mình; ám ảnh về súng và dao; có những hành động liều lĩnh như kiểu tôi không sợ chết.
Nếu bố mẹ đang cảm thấy lo lắng vì con mình đang có ý nghĩ tự tử, hãy ở lại với con và trò chuyện một cách cởi mở, trực diện. Bạn có thể đặt ra cho con các câu hỏi để hiểu rõ ràng những biểu hiện hành vi của con như: con đã nghĩ đến việc tự tử bao giờ chưa, có khi nào con có cảm thấy tồi tệ đến mức có ý nghĩ muốn chết không, con đã từng nghĩ rằng con có thể đi ngủ một giấc dài và không bao giờ thức dậy nữa không…
Và cuối cùng, hãy đưa con đến các dịch vụ tâm lý lâm sàng chuyên nghiệp nếu bạn cảm thấy không ổn và cần sự giúp đỡ.